Well Come To The Food Of Love

Canh cá rô đồng nấu khế

Hấp dẫn canh cá rô đồng nấu khế

Cứ đến mùa mưa, người dân quê lại chuẩn bị giỏ, lưới hay nơm tre đi bắt cá rô đồng. Chỉ cần đặt nơm, giỏ đầu dòng nước qua một đêm là có mớ cá tươi ngon cho bữa ăn cả nhà.

Thịt cá rô đồng béo nhưng chắc và thơm hơn loại cá rô nuôi công nghiệp và luôn là món dân dã trong các bữa cơm hàng ngày của người dân.
Có thể chế biến rất nhiều món từ cá rô đồng, những món đơn giản như cá rô chiên xù, cá rô kho tộ, cá rô nấu canh cải xanh, cháo cá rô... tuy nhiên, lạ miệng hơn cả là món canh cá rô nấu khế.
Cá rô và khế tươi là những nguyên liệu rất phổ biến ở các làng quê Việt Nam, sự kết hợp hai loại thực phẩm đó sẽ mang đến cho bạn một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Canh cá rô nấu khế ăn nóng với cơm trắng sẽ giúp cho bữa cơm gia đình thêm ngon miệng. Đây là món ăn "thuần nông" nhất mà có lẽ người Việt nào cũng biết.
Nguyên liệu:
- 500g cá rô đồng
- 500g khế tươi
- 2 trái cà chua
- Một thìa cà phê tỏi băm
- 1 thìa súp me
- 4 thìa súp đường
- 2 thìa hạt nêm
- 1 thìa dầu ăn
- Hành, ngổ, mùi tàu, ớt sừng.
Chế biến:
- Cá rô đánh vảy, làm sạch, cạo hết nhớt. Khế rửa sạch, cắt bỏ vành, xắt lát mỏng. Cà chua rửa sạch, xắt múi cau. Nấu nước sôi, cho me vào lấy nước chua, bỏ hạt, sau đó cho cá vào nấu sôi.
- Nước sôi, thả cà chua vào, nêm gia vị vừa ăn, cho khế vào và tắt bếp. Rắc hành, ngò om, ngò gai xắt nhuyễn. Phi thơm tỏi vàng cho vào, thêm một vài lát ớt sừng.



Canh chua tôm nấu khế

Canh chua tôm nấu khế

Người miền Trung thường dùng khế xanh để nấu canh chua thay cho me hay sấu, bát canh nóng hổi với vị chua của khế, thơm của một chút mùi của lá lốt và mùi thơm của rau ngổ, mùi tàu.

Nguyên liệu:
- 200g tôm đất
- 1 quả khế chua
- 1 quả cà chua
- Vài nhánh rau ngổ, mùi tàu
- 1 - 2 lá lốt
- Hành lá, muối, hạt nêm, nước mắm, hành khô.
Cách làm:
Bước 1:
- Tôm đất cắt bỏ chân, giữ nguyên vỏ tôm, rửa lại cho thật sạch.
Bước 2:
- Khế chua, cà chua, rửa sạch, khế cắt bỏ rìa, thái khoanh tròn, cà chua bổ múi cau.
Bước 3:
- Lá lốt rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 4:
- Rau ngổ, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 5:
- Tiếp theo đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm vào xào chín hồng.
- Sau đó cho khế, cà chua vào đảo cùng khoảng 2 phút.
Bước 6:
- Thêm vào nồi khoảng hai bát con nước lọc, đun sôi, nêm vào hai thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ nước mắm, nửa thìa nhỏ hạt nêm, đun sôi nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
Bước 7:
- Tắt bếp rắc hỗn hợp rau ngổ, hành lá, mùi tàu, lá lốt vào nồi canh, múc ra bát lớn làm món canh ăn với cơm.  









Canh bắp bò nấu khế

Canh bắp bò nấu khế

Đây là một món canh chế biến khá đơn giản, với vị chua nhẹ của khế và thịt bắp bò mềm.

Nguyên liệu:
- 300 g bắp bò
- 2 quả khế chua
- Hành lá, rau răm, hành khô, muối, hạt nêm.
Cách làm:
Bước 1:
- Bắp bò rửa sạch, để vào ngăn đá tầm 5 phút, cho miếng thịt se lại thì lấy ra thái lát mỏng vừa ăn.
Bước 2:
- Khế chua rửa sạch, cắt bỏ diềm, thái lát khế thành hình ngôi sao.
Bước 3:
- Cho bắp bò vào nồi, đun sôi khoảng 5 phút.
Bước 4:
- Tiếp theo cho khế vào đun cùng, nêm vào nồi canh một thìa nhỏ muối, đun đến khi bắp bò mềm.
Bước 5:
- Thêm vào nồi canh nửa thìa nhỏ hạt nêm, tiếp tục đun khoảng 3 phút, sau đó tắt bếp rắc hành lá, rau răm đã thái nhỏ vào nồi canh. Múc ra bát lớn làm món canh ăn với cơm.






Ô mai khế xào

Từng lát ô mai khế có vị dẻo, dai, thoang thoảng mùi gừng là món vặt ai cũng mê.

Ốc xào khế

Ốc mang lại lợi ích cho sức khỏe của con người và có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Hôm nay, độc giả Thu Hằng sẽ hướng dẫn bạn làm món ốc xào khế, ăn cùng với cơm nóng hay bún đều rất ngon.

Lá xách xào khế chua

Lá xách xào khế chua đãi ông xã dịp cuối tuần. Xách bò giòn lai rai dùng làm món nhắm cùng bạn bè hay để níu chân ông xã quây quần ở nhà là thượng sách đấy.

Mực nướng sa tế

Mực nướng sa tế

Chỉ mất khoảng 30 phút bạn đã có mực nướng sa tế thơm nức với vị ngọt của mực và cay của ớt, mùa đông vừa ăn vừa hít hà thật ngon.

Nguyên liệu:
- 1 con mực ống
- 1 thìa canh ớt sa tế
- Muối, dầu mè, hạt nêm.
Cách làm:
Bước 1:
- Mực rửa sạch, lôi bỏ ruột và mật, cắt khoanh tròn, dùng dao khứa chéo vài đường lên thân mực.
Bước 2:
- Múc một thìa canh sa tế ra bát, nếu không mua ớt sẵn bạn có thể tự làm ở nhà theo cách sau: phi thơm tỏi, thêm sả băm nhuyễn vào, đảo đều và thêm ớt bột, nêm vào một ít nước mắm, đường, đảo đến khi ráo thì tắt bếp, cất vào lọ dùng dần.
Bước 3:
- Trộn đều mực, ớt sa tế, một ít muối và hạt nêm.
Bước 4:
- Xiên mực vào que, đem mực nướng than hoa hoặc nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong lò vi sóng khoảng 8-10 phút đến khi mực chín vàng đều, thỉnh thoảng phết một ít dầu mè lên thân mực, mực chín lấy ra dùng nóng.





Mề gà nướng nghệ

Mề gà nướng nghệ

Mề gà giòn, quyện với vị the nhẹ của nghệ và thơm nồng của sa tế, dùng làm món nhắm cùng bạn bè vào dịp cuối năm thật vui. Ngoài ra nghệ còn có tác dụng phòng ho rất tốt.

 Nguyên liệu:
- 5-6 bộ mề gà
- 3-4 củ nghệ tươi nhỏ
- 1 thìa canh sa tế
- Muối, hành lá, hạt nêm.
Cách làm:
Bước 1:
- Mề gà rửa sạch, cắt làm đôi hoặc giữ nguyên nếu mề gà nhỏ, để lên rổ cho ráo nước.
- Cho vào mề gà một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, trộn đều ướp khoảng 15 phút.
Bước 2:
- Nghệ gọt vỏ, rửa sạch, dùng cối giã nhuyễn.
- Hành lá rửa sạch, thái nhỏ, trộn hành là với một thìa nhỏ dầu ăn.
Bước 3:
- Múc một thìa canh sa tế ra bát, nếu không mua sa tế sẵn bạn có thể tự làm ở nhà theo cách sau: phi thơm tỏi, thêm sả băm nhuyễn vào, đảo đều và thêm ớt bột, nêm vào một ít nước mắm, đường, đảo đến khi ráo thì tắt bếp, cất vào lọ dùng dần.
Bước 4:
- Dùng tay trộn nghệ, sa tế vào âu mề gà, để thấm khoảng 10 phút.
Bước 5:
- Ghim mề gà vào que xiên để nướng.
Bước 6:
- Cho khay mề gà vào lò nướng, nướng ở nhiệt độ 180 độ C, từ 20 đến 25 phút, thỉnh thoảng phết đều ít hành lá đã thái nhỏ lên bề mặt mề gà để khi nướng không bị khô, hoặc bạn có thể nướng ở than hoa.
Bước 7:
- Mề gà chín, lấy ra dùng nóng.









Mực tươi nướng muối ớt

Mực tươi nướng muối ớt

Với cách chế biến không quá cầu kỳ, món mực nướng muối ớt đem lại cảm giác mới lạ với râu mực không quá dai, cay nồng của ớt, thoang thoảng mùi thơm của hành lá.


Nguyên liệu:
- 400g mực (có thể dùng mực nguyên con hay râu mực)
- 1 thìa nhỏ muối
- 1 thìa nhỏ ớt bột
- 2 thìa nhỏ dầu ăn
- Nửa thìa nhỏ hạt nêm
- Hành lá.
Cách làm:
Bước 1:
- Mực bỏ hết phần cát và chất bẩn, rửa thật sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 2:
- Trộn lẫn hỗn hợp muối, ớt, hạt nêm, một thìa nhỏ dầu ăn.
Bước 3:
- Hành lá thái nhỏ, trộn vào bát hành một thìa nhỏ dầu ăn, cho vào lò vi sóng khoảng 30 giây để hành chín.
Bước 4:
- Tay đeo găng tay nilon sạch, phết đều hỗn hợp muối lên khắp thân mực.
Bước 5:
- Tiếp theo ghim từng đầu mực vào que nướng, nướng trên than hoa đến khi vàng đều hoặc nướng ở lò nướng nhiệt độ 180 độ C từ 10 đến 12 phút, không nên nướng lâu mực dai sẽ không ngon.
Thỉnh thoảng phết đều hỗn hợp dầu hành lên bề mặt.
Bước 6:
- Mực chín lấy ra dùng nóng.







Tôm nướng bơ tỏi

Tôm nướng bơ tỏi

Thịt tôm ngọt quyện với mùi thơm của tỏi và mặn mà của bơ, dùng kèm với muối tiêu chanh rất hợp cho cả nhà nhấm nháp vào cuối tuần.

Nguyên liệu:
- 500g tôm đất hay tôm sú
- 2-3 tép tỏi
- 30g bơ, có thể dùng bơ không muối hoặc bơ có muối
- Muối, hạt nêm, hạt tiêu, chanh.
Cách làm:
Bước 1:
- Tôm cắt bỏ râu và chân tôm, để nguyên vỏ dùng dao bén xẻ một đường trên lưng tôm, rút chỉ đen trên lưng tôm, rửa tôm lại cho thật sạch, để ráo.
Bước 2:
- Tỏi bóc vỏ, giã nhuyễn.
Bước 3:
- Bơ hơ chảy, trộn tỏi vào bát bơ với một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, một ít hạt tiêu, trộn đều.
Bước 4:
- Dùng que tre, ghim thẳng từng con tôm, dùng thìa phết đều hỗn hợp bơ và tỏi ở bước 3 lên thân tôm và dọc lưng tôm, để khoảng 15 phút trước khi nướng.
Bước 5:
- Đặt tôm lên vỉ nướng, nướng đến khi tôm chín hồng, hoặc bạn có thể cho tôm vào lò nướng, nướng ở nhiệt độ 180 độ C từ 6 đến 8 phút đến khi tôm chín hồng.
- Tôm sau khi chín dùng nóng với muối tiêu chanh.