Well Come To The Food Of Love

Mộc mạc chè khoai mỡ

Bát chè nóng với vị ngọt, thơm dẻo hương khoai mỡ hay còn gọi là khoai tía, mộc mạc bình dị như con người đất Cố đô.


 Nguyên liệu:
- 400g khoai mỡ
- 1/4 bát con gạo nếp
- Đường (tùy theo khẩu vị của bạn)
- Muối
Cách làm:
Bước 1:
- Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho sạch, ngâm nếp qua đêm với nửa thìa nhỏ muối

Bước 2:
- Khoai mỡ rửa sạch dùng dao bổ làm đôi, cắt thành từng miếng vuông nhỏ.
Bước 3:
- Cho gạo nếp vào nồi, đun sôi, lửa nhỏ đến khi gạo nếp nở và chín nhừ.
Bước 4:
- Cho tiếp khoai vào đun cùng, để lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy đều để gạo nếp không bị dính vào đáy nồi.
Bước 5:
- Khoai sau khi chín mềm, bạn chođường vào đun cùng, để lửa nhỏ.
Bước 6:
- Bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, tắt bếp, múc ra bát dùng nóng hay múc vào túi nilon và dùng dây chun buộc lại.





Chè củ sắn dẻo thơm hương nếp

Bát chè nóng với củ sắn dai, pha lẫn mùi thơm của lá nếp, quyện với nước cốt dừa béo ngậy và những hạt trân châu dẻo, lạ lạ mà hấp dẫn.

Nguyên liệu:
- 1 củ sắn khoảng 300g
- 1 bó lá nếp (lá dứa)
- 2 thìa canh bột nếp
- 1/4 bát con đường cát trắng
- Một ít muối
- 1 thìa canh hạt trân châu nhỏ (bột báng)
- Lạc rang vàng
- Một ít dừa bào sợi
- 200ml nước cốt dừa.
Cách làm:
Bước 1:
- Lá nếp rửa sạch, cắt khúc, cho vào máy sinh tố xay thật mịn, lọc lấy nước cốt, bỏ bã.
- Ngâm hạt trân châu nhỏ vào bát nước lạnh khoảng 15 phút đến khi trân châu nở, đổ ra rổ cho ráo nước.

Bước 2:
- Củ sắn gọt vỏ, cắt làm đôi, ngâm vào âu nước lạnh có pha một ít muối từ 6 đến 7 tiếng.
- Sau đó bào sắn thật mịn, dùng tay vắt ráo nước.

 Bước 3:
- Trộn lẫn nước cốt lá nếp, một nửa phần đường, muối và bột nếp vào âu củ sắn.
 Bước 4:
- Trộn đều hỗn hợp củ sắn và vo thành từng viên tròn đều nhau.
 Bước 5:
- Cho nước cốt dừa, thêm một ít nước lọc và nửa phần đường còn lại vào đun sôi.
Bước 6:

- Cho những viên củ sắn và hạt trân châu vào nồi đun cùng, đến khi những hạt trân châu nổi trong và củ sắn chín, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, thêm vani, tắt bếp, múc ra bát bên trên rắc một ít lạc rang và dừa bào, dùng nóng.



Thơm ngon chè khoai lang kiểu mới

Bát chè nóng với vị béo bùi của đỗ xanh và nước cốt dừa, quyện lẫn với những viên chè khoai lang dẻo, thơm.

 Nguyên liệu:
- 2 quả khoai lang nghệ
- 1/2 bát con gạo nếp
- 1 thìa canh hạt trân châu nhỏ (bột báng hạt nhỏ)
- Đường
- 200ml nước cốt dừa đóng hộp
- Phần nhân đỗ xanh: 1/4 bát con đỗ xanh đã xát vỏ, đường, muối.
Cách làm:
Bước 1:
- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước ấm từ 1 đến 2 tiếng.
- Đỗ xanh sau khi ngâm, hấp chín.
 Bước 2:
- Dùng thìa tán nhuyễn hay cho đỗ vào máy, xay thật mịn. 
- Đun nóng chảo, cho đỗ vào chảo, thêm vào khoảng hai đến ba thìa canh đường cát trắng, một ít muối, đun lửa nhỏ, dùng thìa gỗ xào từ 10 đến 12 phút . Để nguội, lúc nay hơi nước sẽ bay hơi. Đỗ cũng khô lại, dùng tay vo đỗ thành từng viên nhỏ.
 Bước 3:
- Khoai lang rửa sạch, hấp chín, để nguội, bóc bỏ vỏ, dùng thìa tán nhuyễn khoai. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể nấu khoai trong lò vi sóng khoảng 4-5 phút đến khi khoai chín.
- Trân châu rửa sạch, ngâm vào âu nước lạnh để hạt trân châu nở.
 Bước 4:
- Cho từ từ bột gạo nếp vào khoai, dùng thìa trộn đều thành hỗn hợp bột đồng nhất, ấn nhẹ tay vào bột không bị dính vào tay là đạt. Dùng màng thực phẩm bọc kín, để khoảng 20 phút.
 Bước 5:
- Bột sau khi ủ, ngắt tròn, ấn dẹp ra, cho viên nhân đỗ xanh vào giữa, bao kín lại. Làm cho hết phần đỗ và vỏ.
 Bước 6:
- Đun nóng nồi nước sôi, thả những viên bột đã bọc nhân vào nồi, luộc từ 3 đến 4 phút, vớt ra và xả lại nước dưới vòi nước lạnh.
 Bước 7:
- Cho nước cốt dừa, ba thìa canh đường cát trắng, vào nồi, đun sôi, thả những viên bột ở bước 6 vào nồi nước cốt dừa, đun sôi lửa nhỏ để đường thấm vào chè.
 Bước 8:

- Đun tiếp từ 10 đến 15 phút thì cho trân châu vào, đun lửa nhỏ, nêm nếm lại độ ngọt vừa ý theo sở thích của bạn, đến khi hạt trân châu nổi trong thì tắt bếp. Múc chè ra bát, dùng nóng.

Bạn nào muốn ăn khoai lang tìm thì thay khoai lang nghệ bằng khoai lang tím và cũng làm tương tự như công thức này nha. 
Chúc các bạn thành công =)

Chè bí đỏ và đỗ xanh dịu ngọt

Bát chè ngọt dịu có vị bùi bùi của bí đỏ, quyện lẫn đỗ xanh và phổ tai (rong biển) giòn giòn.

 Nguyên liệu:
- 1/4 bát con đỗ canh còn lẫn vỏ
- 1/2 quả bí ngô, loại bí nhỏ
- Một nắm gạo nếp
- Đường cát trắng
- Một ít phổ tai.
Cách làm:
Bước 1:
- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm đỗ xanh qua đêm hoặc từ 4 đến 5 tiếng. 
- Đỗ xanh sau khi ngâm, cho vào nồi, thêm nước lạnh, đun đến khi hạt đỗ nở bung và mềm, để tiết kiệm thời gian bạn có thể đun đỗ xanh bằng nồi áp suất.
 Bước 2:
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái quân chì.
 Bước 3:
- Phổ tai rửa qua vài lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi phổ tai nở ra, rửa lại cho thật sạch, dùng kéo cắt ngắn, để lên rổ cho ráo nước.
 Bước 4:
 - Gạo nếp đãi qua nhiều lần cho thật sạch, cho gạo vào nồi, thêm vào khoảng hai bát con nước lọc, đun sôi, lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy đều để gạo không bị dính vào đáy nồi.
 Bước 5:
- Đun đến khi hạt gạo nở mềm thì cho tiếp bí đỏ vào đun cùng, thêm vào khoảng năm thìa canh đường cát trắng, tiếp tục đun sôi lửa nhỏ.
 Bước 6:
- Đun bí đỏ chừng tầm 5 - 8 phút thì cho đỗ xanh ở bước 1 vào đun cùng, nêm đường tuỳ theo khẩu vị của bạn, đun lửa nhỏ để đỗ ngấm đường. Tiếp tục đun sôi đến khi bí đỏ và đỗ xanh vừa ý.
 Bước 7:

- Cho tiếp phổ tai vào, dùng muôi khuấy đều, đun thêm 2 phút nữa thì tắt bếp, không nên đun lâu sẽ làm phổ tai mất giòn, múc chè ra bát, dùng nóng hay lạnh đều ngon.


Móng giò hầm lạc và bí đỏ

Móng giò có tác dụng bổ huyết, thông sữa dành cho các bà mẹ sau khi sinh, kết hợp với lạc bùi bùi và bí đỏ ngọt mát.

Nguyên liệu:
- 2 cái móng giò heo
- 1 miếng bí đỏ
- 1/2 bát con lạc luộc chín đã tách bỏ vỏ cứng bên ngoài
- Muối, nước mắm, hạt nêm
- Hành lá, rau mùi.
Cách làm:
Bước 1:
- Móng giò heo rửa nước lạnh rồi nhúng qua nước sôi cạo sạch lại, đem chặt miếng vừa ăn.
Bước 2:
- Lạc ngâm vào nước lạnh 30 phút trước khi nấu. Nếu dùng lạc khô thời gian ngâm qua đêm hoặc 6-7 tiếng, sau đó đem luộc khoảng 20 phút trước khi cho vào hầm với móng giò.
 Bước 3:
- Bí đỏ gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn.
Bước 4:
- Đặt nồi lên bếp, cho hết chỗ móng giò vào nồi thêm lạc và nước lọc xâm xấp với mặt thịt, đun sôi, nêm vào một ít muối.
- Đậy vung, để nhỏ lửa hầm trong 30 – 45 phút đến khi móng giò chín mềm, lạc bở là được.
 Bước 5:
- Cho tiếp bí đỏ vào đun cùng, đến khi bí mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Bước 6:
- Tắt bếp, thêm rau mùi, hành lá thái nhỏ vào, múc ra bát lớn làm món canh.






Lạc(đậu phộng) rang sả - món ngon dân dã

Người miền Trung thường làm lạc rang sả để dành khi vào mùa đông. Món ăn có vị thơm bùi, giòn giòn của lạc, thêm chút mặn mà, cay cay của sả, dùng ăn với cơm hay xôi đều ngon.


Chè lạc (đậu phộng) ngon bùi

Để nấu một nồi chè lạc cần khá nhiều nguyên liệu nhưng mà thành quả thì chẳng ai chê được, bỏ chút thời gian ra để đãi cả nhà bạn nhé.

 Nguyên liệu:
- 1/4 bát con đỗ xanh đã sát vỏ
- 1 củ sắn (khoai mỳ)
- 1 thìa canh hột lựu khô, loại đóng túi bán sẵn ở siêu thị
- 250g lạc luộc chín, đã bóc bỏ vỏ cứng bên ngoài
- Nếu bạn muốn có thể thêm hạt trân châu lớn vào cùng
- 2 thìa canh hạt trân châu nhỏ (hay còn gọi là bột báng)
- 1 lon nước cốt dừa 300ml, đường cát trắng, muối.
Cách làm:
Bước 1:
- Củ sắn gọt vỏ, ngâm vào âu nước lạnh qua đêm, sau đó rửa lại nhiều lần nước cho thật sạch, cắt khúc nhỏ.
 Bước 2:
- Đỗ xanh đã sát vỏ, đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, cho đỗ vào nồi, thêm nước lạnh, đun sôi, thêm vào nửa thìa nhỏ muối, để sôi lửa nhỏ.
 Bước 3:
- Hột lựu khô rửa qua nhiều lần nước cho sạch, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 10 phút, ăn thử thấy hạt lựu mềm thì đổ ra rổ và xả lại dưới vòi nước lạnh để không bị dính chùm.
 Bước 4:
- Lạc luộc chín, bóc bỏ vỏ cứng bên ngoài.

 Bước 5:
- Nếu dùng thêm hạt trân châu lớn, bạn có thể dùng bột năng, cho bột năng ra âu sạch, đổ từ từ nước sôi nóng già, vừa đổ vừa dùng muôi trộn đều và dùng tay nhồi đến khi bột thành hỗn hợp dẻo, ngắt thành từng viên tròn nhỏ. Đun nồi nước sôi, cho trân châu vào luộc chín, vớt ra rổ cho ráo nước.
 Bước 6:
- Trân châu hạt nhỏ, ngâm nở.
- Phần đỗ xanh sau khi đun nở thì cho củ sắn vào đun cùng, đun đến khi phần củ sắn mềm thì cho lạc vào.
 Bước 7:
-  Cho đường cát trắng vào, liều lượng đường tùy theo khẩu vị, đun lửa nhỏ và thỉnh thoảng dùng muôi quấy để chè không bị dính vào đáy nồi. Cho tiếp lon nước cốt dừa vào.
- Cho trân châu hạt nhỏ, hạt lựu khô đã luộc ở bước 3 vào, thêm trân châu hạt lớn, vừa đun vừa dùng muôi quấy nhẹ tay, nêm nếm lại tùy theo sở thích. Đun đến khi phần hạt trân châu nhỏ nổi trong là chín, tắt bếp, dùng nguội hay nóng đều được.


Nước sinh tố táo quế ấm lòng cuối thu

Cốc nước táo có vị dịu ngọt lại thơm mùi quế, nồng nàn hương thu, làm dễ mà uống ngon, bạn hãy thử xem.


Nguyên liệu:
- 3-4 quả táo
- 1 thanh quế
- Muối.
Cách làm:
Bước 1:
- Táo rửa sạch, gọt bỏ vỏ, bổ miếng vừa ăn, cho táo vào nồi thêm khoảng 400ml nước lọc và thanh quế, đặt lên bếp đun lửa nhỏ.
 Bước 2:
- Đun khoảng 20 - 25 phút đến khi phần táo mềm ra thì cho một phần tư thìa nhỏ muối vào, đun tiếp khoảng 2 phút, tắt bếp.

 Bước 3:
- Bạn vớt thanh quế bỏ qua một bên, có thể cho táo đã đun vào máy sinh tố xay nóng hoặc để nguội rồi xay.


Bước 4:
- Xay phần táo thật nhuyễn để  có thể dùng nguyên bã táo tăng nhiều chất xơ, phần táo sau khi xay thì cho vào bình, cất dùng dần hoặc có thể uống liền, dùng nóng hay lạnh đều ngon.