Sóng đánh vào bờ sẽ tạo ra một dòng chảy ngược lại, hút các vật thể ra xa khiến nhiều người có thể bị đuối nước.
Dòng chảy rút xa bờ (có tên tiếng Anh là rip current) là hiện tượng thường gặp ở các bãi biển và là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ tai nạn thương tâm cho du khách, ngay cả những người biết bơi hay thậm chí là bơi giỏi. Hiện tượng này mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Mỹ và cũng là lý do gây ra không ít vụ đuối nước ở Việt Nam mỗi năm.
Hiện tượng
Thực tế, dòng chảy rút ngược xảy ra khi sóng đánh mạnh và liên tục vào bờ, sau đó, dòng nước này tập hợp thành dòng đánh vòng ngược lại ra biển, hút các vật thể trên đường của chúng ra xa. Rip current thường gặp ở trong vùng nước có bờ cát, dưới cầu tàu hoặc dọc những bờ đe chắn sóng. Sóng đánh vào những vật cản này sẽ có xu hướng dồn năng lượng để tạo thành dòng đánh ngược ra ngoài.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở biển mà còn có thể gặp phải ngay cả ở những hồ lớn, nơi có sóng đánh mạnh và thường xuyên vào bờ.
Cơ chế hình thành dòng chảy rút xa bờ. Ảnh: wiki
|
Vận tốc của dòng nước chảy ngược khá lớn (có thể lên tới 0,5m/s) nên hiếm ai có thể chống đỡ được lực cuốn của nó, ngay cả với những vận động viên bơi lội. Một phần nguyên nhân cũng là do chúng xảy ra rất nhanh và đột ngột nên chúng ta không kịp phản ứng. Đôi khi, nguyên nhân tử vong không hẳn do nạn nhân bị nhấn chìm mà do anh ta cố sức bơi ngược lại vào bờ và kiệt sức.
Chiều ngang của dòng chảy này thường khá hẹp, chỉ vài mét và không có vị trí cố định. Tuy nhiên, ở nhiều nơi chúng có thể lên tới cả chục mét. Dòng chảy mạnh của nó trên mặt nước có khuynh hướng nhấn chìm những đợt sóng biển, do đó khiến du khách nghĩ rằng đó là vùng biển lặng, không có sóng, nên đến tắm.
Nhận biết
Trên thực tế, chúng ta có thể nhận biết dòng chảy ngược này bằng mắt thường. Thông thường, khi một đợt sóng đánh vào bờ, ta có thể nhận biết bằng một đường ngang (có thể của bọt trắng) song song với đường bờ biển. Tuy nhiên, khi hiện tượng này xuất hiện, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy một khoảng trống lặng sóng ngay chính giữa các đợt sóng này hay một dòng chảy ngược vuông góc với các đợt sóng. Đây chính là dòng chảy rút xa bờ.
Cách phòng tránh
- Tránh xa những nơi có nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện dòng chảy ngược, là những nơi có vật cản như cầu cảng, cầu tàu. Nên bơi cách xa những nơi này ít nhất 30m để đảm bảo an toàn.
- Để ý tất cả các cảnh báo dòng chảy ngược từ lực lượng cứu hộ, các biển cảnh báo nguy hiểm cắm tại các bờ biển.
- Không nên bơi một mình mà đi theo nhóm và không nên cách quá xa nhau hay xa bờ. Nếu những người này không bơi ra cứu được bạn thì ít nhất họ cũng biết được bạn đang kêu cứu để báo với lực lượng cứu hộ bờ biển.
- Đặc biệt để mắt tới trẻ em khi chúng chơi đùa ở bãi biển. Trẻ em không có khả năng nhận biết dòng chảy ngược và chống đỡ với tình huống này, ngay cả khi đã dùng phao thì chúng vẫn có thể gặp nguy hiểm.
- Khi rơi vào tình huống xấu nhất, bạn không nên cố gắng bơi ngược lại vào bờ vì việc này chẳng ích gì. Với lực đẩy mạnh và nhanh thì bạn khó mà thắng nổi. Càng cố gắng dùng sức, bạn càng nhanh bị kiệt sức.
Trên thực tế, dòng chảy này không nhấn bạn chìm xuống nước mà chỉ đẩy trên mặt biển. Do đó, bạn có thể lợi dụng điều này, cố gắng giữ bình tĩnh, thả lỏng cơ thể để nổi trên biển nhằm tiết kiệm sức lực. Dòng chảy rút xa bờ sẽ rất mạnh ban đầu nhưng khi ra xa nó sẽ yếu dần. Bạn có thể chờ cho tới khi lực cuốn giảm, từ từ thoát khỏi nó, bơi theo hướng song song với bờ biển, sau đó, từ từ bơi chéo góc vào bờ.
Trong lúc bơi vào này, để tránh rơi vào "bẫy" một lần nữa, bạn chú ý bơi theo khoảng nước có sóng đang đánh vào, để đảm bảo đó không phải là khoảng trống chết người của rip current khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát những vật thể trôi trên biển, xem hướng trôi của nó có tiến vào bờ không, để từ đó bơi theo hướng này.
SuZi Nguyễn tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét